Chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà


Bình thường, trong 24 giờ sau sinh, trẻ đi phân su màu đen hoặc xanh thẫm, không mùi. Nếu phân su loãng, có mùi khắm, trẻ nôn nhiều, bụng chướng, thành bụng nề, phải nghĩ đến chứng nhiễm khuẩn đường ruột hoặc viêm ruột hoại tử và đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
0804033-1351838657_500x0.jpg
Trẻ sơ sinh cần được ủ đủ ấm.
Trẻ sơ sinh còn rất nhỏ bé, yếu ớt, rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng một cách khoa học. Người mẹ cần lưu ý không để trẻ bị lạnh và đói; mọi thao tác phải bảo đảm vệ sinh. Sau đây là một số lưu ý:
1. Sửa soạn phòng ở cho bé
Nơi bé nằm phải thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Phòng phải sáng để dễ theo dõi trẻ. Mẹ và con nằm cùng giường để tiện việc chăm sóc và cho bú.
Nhiệt độ nơi bé nằm phải bảo đảm duy trì thân nhiệt của trẻ ở mức bình thường. Trẻ có cân nặng trên 2,5 kg thì nhiệt độ trong phòng khoảng 26-27 độ C là thích hợp. Trẻ cân nặng 2-2,5 kg thì nhiệt độ trong phòng phải là 28-29 độ C. Trẻ nhẹ cân hơn thì nhiệt độ trong phòng phải là 30-32 độ C; về mùa đông, mẹ phải ôm con sát vào da mình theo kiểu "chuột túi".
2. Chăm sóc rốn
Rốn của bé sẽ khô và rụng ở ngày thứ 5-7 sau đẻ, có thể muộn hơn. Trước thời điểm đó, rốn có thể là cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập cơ thể nếu nó không được chăm sóc tốt.
Phải thay băng rốn hằng ngày. Trước khi sờ vào rốn trẻ, phải rửa tay bằng xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn. Tháo bỏ gạc, băng cũ. Dùng cồn 70-90 độ lau sạch chân rốn, đoạn rốn còn lại và lau xung quanh rốn một vòng với đường kính 3-4 cm. Sau đó, lấy bông đã tiệt trùng lau khô cồn rồi dùng gạc vô trùng bọc dây rốn, lấy băng vô trùng băng lại. Phải làm như vậy cho đến khi rốn rụng, khô, thành sẹo mới thôi.
Cần giữ rốn trẻ luôn luôn khô sạch, tuyệt đối không để nước tiểu và phân chạm vào. Nếu rốn ướt, có mùi hôi, chảy nước vàng, chảy máu, tấy đỏ, có mủ..., cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
3. Theo dõi phân và nước tiểu
Việc theo dõi phân trong 24 giờ đầu sau sinh rất quan trọng, giúp ta phát hiện những bất thường ở trẻ. Nếu sau thời gian này, bé vẫn chưa đi phân su, lại nôn trớ, chướng bụng thì có thể phân su quá quánh đặc, hoặc bé bị tắc ruột do teo ruột, phải khám cấp cứu ngoại khoa.
Hết thời kỳ phân su, bé sẽ đi phân sữa màu vàng nhuyễn, mỗi ngày 8-9 lần. Về sau, số lần đi tiêu giảm dần. Trẻ đi tiểu cũng nhiều, 15-20 phút một lần; nước tiểu trong, không có mùi. Nếu bé đái ít, nước tiểu sẫm màu, nặng mùi thì trước hết phải nghĩ đến khả năng bé bú chưa đủ lượng sữa. Mẹ phải cho bú nhiều hơn, nước tiểu sẽ trở lại bình thường.
4. Tắm bé
Vào mùa hè nóng bức, nên tắm cho bé hằng ngày. Mùa rét tắm ít hơn, mỗi tuần độ 2-3 lần vào lúc ấm nhất. Vào những ngày không tắm, cần thường xuyên lau mặt, cổ, nách, bẹn, bàn tay... cho bé, vì những chỗ này hay tích tụ mồ hôi, dễ gây hăm loét da.
5. Cho bé ăn
Thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh là sữa mẹ, đặc biệt là sữa non, phù hợp với đặc điểm hệ tiêu hóa của trẻ mới đẻ. Nên cho bú bất kỳ lúc nào bé đòi. Nếu bé ngủ quá lâu, cần đánh thức dậy để cho bú. Không nên cho ăn thêm bất cứ thức ăn gì ngoài sữa mẹ cho đến lúc bé được 4 tháng tuổi.
BS Nguyễn Thị Kiểm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét